Tuy nhiên, từ năm học 2021-2022, các môn học này sẽ tích hợp thành hai môn chính gồm: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lý. Điều này khiến nhiều giáo viên lúng túng, bởi các thầy cô quen với việc dạy và được đào tạo đơn môn. Nhiều người băn khoăn khi tích hợp thì việc dạy và học sẽ thế nào, có phải một giờ dạy giáo viên từng môn đó cùng lên lớp?

Bộ sách lớp 2 và lớp 6 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Với đặc trưng môn học gồm hai môn thành phần là Lịch sử và Địa lý, PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ, đồng Tổng chủ biên SGK Lịch sử và Địa lý lớp 6 (bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) cho biết: SGK được thiết kế thành hai phần Lịch sử, Địa lý riêng, nên khi triển khai chương trình, giáo viên Lịch sử và Địa lý sẽ dạy phần nội dung phù hợp với ngành đào tạo của mình trên cơ sở phân công của nhà trường. Trong quá trình thực hiện chương trình, giáo viên có thể học thêm một số tín chỉ ở trường sư phạm để có thể đảm nhiệm dạy trọn vẹn một môn học. Hiện việc đào tạo giáo viên dạy các môn tích hợp như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên đang được triển khai tại các trường sư phạm.

Một tiết học tại Lớp 6A3, Trường THCS Nhật Tân, Tây Hồ, Hà Nội.

Chia sẻ thêm về điều này, TS Nguyễn Văn Ninh, Chủ biên sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 6 (bộ sách Cánh Diều) cho biết, kiến thức hai môn học có phần giao nhau nhưng vẫn đảm bảo phân môn từng môn học. Xuyên suốt chương trình Lịch sử và Địa lý THCS có 4 chủ đề tích hợp, gồm: Phát kiến địa lý-Đô thị trong lịch sử, Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long và Chủ quyền biển đảo. Bốn chủ đề tích hợp trên được thiết kế từ lớp 7 đến lớp 9, còn lớp 6 mới chỉ dừng lại ở hai phân môn. Môn Khoa học tự nhiên được tích hợp, thiết kế thành 4 mạch chủ đề chung, gồm: Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời.

Khi xây dựng môn học tích hợp ở cấp THCS sẽ có những môn từng là đơn như Vật lý, Hóa học, Sinh học không còn nữa. Tuy nhiên, ở bậc THPT sẽ có những đơn môn với kiến thức chuyên sâu. Như vậy, khối lượng kiến thức không mất đi mà được dạy cùng với kiến thức khác để quá trình vận dụng kiến thức được thuận lợi.

Từ lâu, dạy học tích hợp là hình thức dạy học phổ biến trên thế giới. Việc vận dụng kiến thức vào thực tiễn không chỉ ở một lĩnh vực khoa học nào mà phải vận dụng kiến thức của nhiều lĩnh vực mới có thể giải quyết được. Trên thế giới hiện có gần 70 nước tổ chức dạy tích hợp ở bậc THCS. PGS, TS Mai Sỹ Tuấn, Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên SGK Khoa học tự nhiên lớp 6 (bộ Cánh Diều) cho rằng: “Nếu một giáo viên đã tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử-Địa lý thì hoàn toàn có thể dạy môn học tích hợp. Nếu không, hai giáo viên của hai phân môn vẫn thực hiện và nhà trường có cơ chế thống nhất đánh giá môn học cho học sinh. Vì đây là một môn học, chỉ có một đầu điểm”.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, với mỗi mạch kiến thức trong các môn Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên cấp THCS có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học. Tuy nhiên, đến thời điểm này, giáo viên nhiều trường cho biết họ đang rất mong chờ những hướng dẫn cụ thể và tập huấn đầy đủ việc dạy các môn tích hợp này, để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài và ảnh: KHÁNH HÀ