Vì sao Trung Quốc tẩy chay toàn diện H&M?
Trung Quốc đang tiến hành tẩy chay toàn diện đối với thương hiệu thời trang H&M của Thụy Điển liên quan đến cáo buộc lao động cưỡng bức.
Theo Thời Báo Hoàn Cầu, cư dân mạng Trung Quốc đã kêu gọi loại bỏ nhà bán lẻ thời trang H&M của Thụy Điển khỏi thị trường Trung Quốc sau khi công ty đưa ra tuyên bố hồi năm ngoái về các cáo buộc lao động cưỡng bức ở Tân Cương (Trung Quốc).
Tờ New York Times cho biết, vào tháng 9/2020, H&M gây chú ý khi đăng tuyên bố trên trang web chính thức của công ty, tuyên bố ngừng tìm nguồn cung ứng các sản phẩm từ khu tự trị Tân Cương ở tây bắc Trung Quốc, với lý do lo ngại về vấn nạn lao động cưỡng bức ở khu vực sản xuất bông. Động thái này được đưa ra sau khi Mỹ và một số nước châu Âu cáo buộc nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bóc lột sức lao động đối với người Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tân Cương, dẫn đến áp đặt lệnh trừng phạt.
Hơn 8 tháng sau, H&M đang phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ người tiêu dùng Trung Quốc. Rất nhiều dân mạng để lại những bình luận công kích, thể hiện sự phẫn nộ trên tài khoản Weibo chính thức của H&M như “Tôi nghe nói rằng công ty đang tẩy chay vải bông Trung Quốc, chúng tôi sẽ tẩy chay sản phẩm của hãng”…
Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) phản đối H&M, cho rằng hãng đã có “một tính toán sai lầm khi cố gắng đóng vai một anh hùng chính nghĩa” và “chắc chắn sẽ phải trả giá đắt cho hành động sai lầm của mình”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc trước đó cũng bác bỏ cáo buộc “bóc lột lao động” trong hoạt động sản xuất bông ở khu tự trị Tân Cương, chỉ ra những báo cáo do truyền thông phương Tây lan truyền đều ngụy tạo, từ những đối tượng chống phá chính quyền.
Đến nay, các cuộc tẩy chay vẫn đang lan rộng. Người tiêu dùng không thể tìm kiếm các sản phẩm của H&M trên các nền tảng thương mại điện tử trực tuyến ở Trung Quốc như taobao.com, JD.com, Pinduoduo, Tmall… Thậm chí một số xưởng sản xuất cho biết đã ngừng hợp tác với thương hiệu nổi tiếng này. Các cửa hàng ứng dụng điện thoại di động (App Store) của Xiaomi, Huawei và Vivo đã xóa ứng dụng của H&M. Trong khi đó, các trang Baidu và Dianping.com đều chặn kết quả tìm kiếm cho cửa hàng của hãng này.
Studio của Hoàng Hiên và Tống Thiến, hai đại sứ thương hiệu của H&M tại Trung Quốc, thông báo chấm dứt hợp đồng với công ty Thụy Điển vào hôm 24/3. Theo nam diễn viên “Người phiên dịch”, anh phản đối “sự vu khống và tạo tin đồn”, cũng như bất kỳ nỗ lực nào làm mất uy tín đất nước. Trong khi đó, cựu đội trưởng nhóm nhạc nữ f(x) tuyên bố “lợi ích quốc gia là trên hết”.
Hoàng Hiên và Tống Thiến đều chấm dứt hợp tác với H&M.
Tối 24/3, H&M Trung Quốc khẳng định trong một thông báo rằng, tập đoàn luôn duy trì các nguyên tắc cởi mở và minh bạch trong quan lý chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như không đại diện cho bất kỳ quan điểm chính trị nào. “Tập đoàn H&M luôn tôn trọng người tiêu dùng Trung Quốc. Chúng tôi cam kết đầu tư và phát triển lâu dài tại Trung Quốc”, trích thông báo
Thương hiệu bán lẻ thời trang nhấn mạnh, làn sóng tẩy chay hiện nay có thể phủ bóng đen lên hoạt động thị trường của họ tại Trung Quốc – nơi vẫn là một trong bốn thị trường hàng đầu của tập đoàn.
H&M là nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới tính theo doanh số, sau Inditex, chủ sở hữu của Zara.
Theo Reuters, H&M đang chuẩn bị cho khoản lỗ trong quý sau khi đại dịch làm giảm 88% lợi nhuận năm 2020. Dự kiến, công ty sẽ đưa ra báo cáo thu nhập đầy đủ từ tháng 12/2020 – 2/2021 vào ngày 31/3. Kể từ tháng 3/2020, công ty đã có báo cáo về việc đóng cửa hàng ở một số thành phố ở Trung Quốc. Nhưng so với doanh số bán hàng sụt giảm tại các thị trường khác, nhu cầu của thị trường Trung Quốc vẫn là một lựa chọn an toàn cho công ty.
H&M đối mặt với khủng hoảng lớn do đại dịch và cuộc tẩy chay diện rộng ở Trung Quốc.
TÚ OANH
Theo Thời báo Hoàn Cầu, NY Times