Hướng đi nào cho Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam

Sáng 25/3, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Tương lai chiến lược ngân hàng số tại Việt Nam. Chương trình có sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Công ty Cổ phần Vibiz Việt Nam.

Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Tổng giám đốc EY Việt Nam và Chủ tịch EY Consulting VN, Phó chủ nhiệm CLB Fintech, Hiệp hội Ngân hàng cho biết: “Bối cảnh 2025: Dự kiến khoảng một phần ba doanh thu ngân hàng truyền thống sẽ được quản lý bởi các mô hình kinh doanh mới. Xu hướng số phổ biến hiện nay trên các phân khúc Bán lẻ, Doanh nghiệp & SME trên toàn cầu và trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam đó là sáng tạo dựa trên kĩ thuật số, các dịch vụ tùy chỉnh, trải nghiệm đồng bộ các kênh, hỗ trợ 24/7 thời gian thực, đáp ứng thức thì nhu cầu của khách hàng, số hóa các kênh truyền thống”.

 

Cũng tại diễn đàn, ông Phạm Xuân Hùng – Trưởng ban Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc phát triển ngân hàng số tại Việt Nam đang gặp một số hạn chế, khó khăn như khoảng trống trong hành lang pháp lý đối với phát triển ngân hàng số còn chậm ban hành, mới tập trung cho các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, như về chứng thực chữ ký số; xác định danh tính khách hàng; bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng trong dịch vụ tài chính; bảo vệ tính riêng tư dữ liệu người dùng.

Khung pháp lý thường đi sau so với sự phát triển công nghệ như sự cạnh tranh các công ty công nghệ tài chính. Bên cạnh đó chiến lược đầu tư hạ tầng công nghệ nền tảng tài chính chậm và chưa đồng bộ; tính chia sẻ dữ liệu giữa các lĩnh vực với nhau còn nhiều bất cập.

Bên cạnh đó, phải kể đến tình trạng hạn chế nguồn lực CNTT trong phát triển ngân hàng số; công tác truyền thông và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng (giữa các vùng miền).

Đại diện Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, cơ quan quản lý cần sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý về định danh khách hàng trực tuyến (eKYC) có giới hạn; hệ thống đại lý ủy thác của ngân hàng về dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ngân hàng số; chính sách về an toàn, bảo mật thông tin trong giao dịch điện tử để bảo vệ lợi ích hợp pháp cho khách hàng; quy trình nghiệp vụ giao dịch điện tử qua ngân hàng, giám sát hoạt động ngân hàng sốs.

Các ngân hàng thương mại cần nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi ngân hàng số, phân bổ nguồn lực phù hợp cho đầu tư công nghệ mới. Đẩy mạnh quá trình số hóa ngân hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy.

Nguồn baovanhoa.vn