Môn học tích hợp không phải là “cộng gộp” cơ học

Từ năm học 2021-2022, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 (hay còn gọi là Chương trình GDPT mới) chính thức triển khai dạy đại trà đối với lớp 6. Hai môn học tích hợp gồm Khoa học tự nhiên và Lịch sử và Địa lý bắt đầu được đưa vào giảng dạy. Đến thời điểm này, nhiều ý kiến vẫn băn khoăn, lo lắng về giáo viên và chương trình môn tích hợp. Nhưng lí giải của nhiều chuyên gia cho rằng: Không nên hiểu tích hợp là cộng gộp môn “cơ học” và chương trình có sự phân bổ hợp lý để đào tạo giáo viên.

Tích hợp tránh trùng lặp

Lần đầu tiên môn học tích hợp được đưa vào giảng dạy. Ai sẽ giảng dạy môn học này và giảng dạy như thế nào là câu hỏi được đặt ra bởi đa số giáo viên hiện nay khi được đào tạo trong trường sư phạm đều là để phục vụ cho việc giảng dạy đơn môn.

Theo các chuyên gia, trong chương trình hiện hành, nhiều kiến thức có ở môn Hóa rồi nhưng vẫn bị lặp lại ở cả Vật lý và Sinh học. Do đó, khi tích hợp 3 môn Lý, Hóa, Sinh vào Khoa học tự nhiên thì sẽ tránh được sự trùng lặp. Có những vấn đề thực tiễn chỉ được giải quyết khi kết hợp kiến thức của cả 3 môn. Vì vậy, dạy học tích hợp là sự thay đổi có lợi cho học sinh. Đồng thời việc tích hợp liên môn sẽ giúp giảm tải lượng kiến thức bị trùng lặp ở các bộ môn đơn lẻ như chương trình hiện hành, giúp học sinh và giáo viên có thời gian hơn để tìm hiểu các nội dung khác.

Theo thiết kế chương trình, mỗi môn học cũng có từng phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm bảo mỗi thầy cô sẽ giảng dạy phần của mình và phối hợp cùng với 2-3 giáo viên nữa để hoàn thành môn học. Với cách này, mỗi giáo viên sẽ dạy một tiết học thay vì 2-3 giáo viên cùng đứng 1 lớp trong cùng 1 khung giờ như nhiều người lo ngại.

Dạy học tích hợp không phải là cộng gộp các môn một cách cơ học, cộng gộp giáo viên trong một giờ (Ảnh: EMG education)

GS.TS Vũ Văn Hùng (Tổng Chủ biên sách Khoa học tự nhiên 6, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống) cho biết: Tư tưởng chủ đạo của SGK Khoa học tự nhiên 6 thể hiện qua thông điệp, cũng là tên bộ sách: “Kết nối tri thức với cuộc sống”.

Điểm nhấn nổi bật của sách là kiến thức các lĩnh vực Vật lý, Hóa học, Sinh học được tích hợp trong chương trình theo một mô hình có ý nghĩa, nhằm phát triển năng lực chung của cả 3 lĩnh vực. Nội dung kiến thức được lựa chọn theo hướng tinh giản, hấp dẫn hơn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và trải nghiệm của học sinh; tăng cường kết nối giữa các lớp, cấp học trong một môn học và hoạt động giáo dục.

Sách giáo khoa cũng tích hợp các kiến thức Vật lý, Hóa học, Sinh học theo yêu cầu chương trình, thông qua 4 chủ đề lớn (Chất và sự biến đổi của chất, Vật sống, Năng lượng và sự biến đổi, Trái đất và bầu trời); đồng thời chú trọng đến giáo dục STEM.

Mỗi bài học được thiết kế gồm hệ thống các hoạt động học, từ đó kích thích tính tích cực và chủ động của người học; đồng thời giúp học sinh hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực, hướng tới cho người học phải tạo ra được sản phẩm học tập.

Cuối mỗi bài học, học sinh luôn được yêu cầu chốt lại những kiến thức căn bản nhất và vận dụng, thực hành kiến thức vào thực tiễn cuộc sống.

Đón đầu đào tạo giáo viên

Nhiều sự chuẩn bị với đội ngũ cũng được triển khai. Khẳng định không có chuyện một giờ học Khoa học tự nhiên sẽ có 3 thầy cô giáo cùng lên lớp dạy, PGS.TS Mai Sỹ Tuấn – chủ biên chương trình giáo dục phổ thông môn Khoa học tự nhiên, Tổng chủ biên sách giáo khoa Khoa học tự nhiên lớp 6 bộ Cánh Diều cho biết mỗi giáo viên sẽ chỉ dạy một giờ. Với môn Khoa học tự nhiên khi xây dựng chương trình đã tính đến điều kiện tối thiểu mỗi một giáo viên có thể dạy được một phần nội dung trong sách giáo khoa. Ví dụ giáo viên Hóa học có thể dạy nội dung về “chất và sự biến đổi của chất”, giáo viên Sinh học dạy mảng kiến thức về “Vật sống”…

Theo đó, giáo viên cần được tập huấn, bồi dưỡng để có thể đảm nhiệm môn học tích hợp. Riêng với các trường sư phạm, việc đào tạo giáo viên liên môn đã được triển khai những năm gần đây. Nhiều trường sư phạm cũng đã “đón đầu” bằng cách đào tạo những ngành học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới phổ thông, như: Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, Trường ĐH Sư phạm Huế, Trường ĐH Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội…

Tại Trường ĐH Sư phạm TP. HCM, sinh viên trúng tuyển ngành sư phạm tin học sẽ được học thêm một số học phần về công nghệ. Trường CĐ Sư phạm Huế tuyển ngành sư phạm Vật lý nhưng ghép thêm Hóa học, sư phạm Lịch sử ghép thêm Địa lý…

Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế cho biết trường này đang đào tạo giáo viên ngành sư phạm Khoa học tự nhiên, sư phạm Lịch sử và Địa lý. Ngoài đào tạo, trường còn được giao nhiệm vụ bồi dưỡng giáo viên đang dạy đơn môn có thể chuyển sang dạy tích hợp để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Phan Thủy