Đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp Việt Nam: Hiện thực hóa khát vọng

Phát triển đội ngũ doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng luôn được các cấp, các ngành quan tâm bởi đây là lực lượng trực tiếp tạo nên quy mô cũng như sức mạnh của nền kinh tế. Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh như mục tiêu đã đề ra trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Tập đoàn Vingroup là một trong những doanh nghiệp đang khẳng định vị thế, chủ động tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Trong ảnh: Dây chuyền lắp ráp tại Nhà máy Sản xuất ô tô VinFast (Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng). Ảnh: TTXVN
Nâng quốc gia lên tầm cao hơn
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2020, cả nước có khoảng 810.000 doanh nghiệp hoạt động. Tính chung giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm có thêm hơn 100.000 doanh nghiệp mới được thành lập, cao hơn hẳn tốc độ tăng số doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015. Đó là nhờ những chính sách cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp.
Đến nay, Việt Nam cũng có hơn 10 doanh nghiệp có quy mô về vốn đạt hơn 1 tỷ USD. Các thương hiệu như Vingroup, BRG, SunGroup… đang khẳng định vị thế trên một số lĩnh vực quan trọng, trong đó đáng chú ý là xu hướng tiếp cận, ứng dụng công nghệ mới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, doanh nghiệp ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế – xã hội, cũng như nâng tầm quốc gia lên cao hơn… Dù dịch Covid-19 đẩy doanh nghiệp vào tình thế khó khăn nhưng không ít đơn vị đã vượt qua một cách ngoạn mục. Điều này cho thấy sự điều hành hiệu quả của Chính phủ, sự nỗ lực tự thân của doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn trên đà cải thiện.
Nhưng, mục tiêu cả nước có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động khi kết thúc năm 2020 chưa đạt được. Đương nhiên, đó là mục tiêu rất lớn và không dễ dàng, bởi xuất phát điểm năm 2015, cả nước mới có hơn 442.000 doanh nghiệp. Nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận xét, thực tế, bên cạnh sự ra đời của doanh nghiệp mới, không ít doanh nghiệp phải rút lui khỏi thương trường do áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Ngoài ra, “sức khỏe” của doanh nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Đức Hiếu, nhìn chung chất lượng hoạt động của doanh nghiệp Việt Nam còn những hạn chế, như thiếu vốn, quản trị yếu, công nghệ lạc hậu, chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều… “Sức sáng tạo và khát vọng của giới doanh nhân cần được hun đúc thường xuyên để hy vọng có thêm nhiều doanh nghiệp đạt tới tầm khu vực, vươn ra thế giới”, ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.
Tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp
Sản xuất đồ gia dụng tại nhà máy sản xuất của Tập đoàn Sunhouse (Khu công nghiệp Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai). Ảnh: Viết Thành
Mới đây, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, soạn thảo nội dung Nghị quyết về phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025 cả nước có 1,5 triệu doanh nghiệp. Muốn vậy, mỗi năm phải có thêm 100.000-150.000 doanh nghiệp mới.
Các chuyên gia cho rằng, môi trường đầu tư kinh doanh liên tục được cải thiện là điều kiện thuận lợi kích thích doanh nghiệp hình thành, phát triển. Đặc biệt, việc Chính phủ luôn kiên trì đổi mới, sáng tạo, kiên quyết loại bỏ những rào cản đối với hoạt động của doanh nghiệp là yếu tố tích cực nhất. Con số 100.000-150.000 doanh nghiệp ra đời mỗi năm đã thực hiện được trong giai đoạn vừa qua, kể cả năm 2020 khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến các mặt kinh tế – xã hội. Vì vậy, vấn đề đặt ra vẫn là tạo lập môi trường để doanh nghiệp không chỉ ra đời mà còn phát triển. Đó là sự ổn định, minh bạch về chính sách và tiếp cận cơ hội; là hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ doanh nghiệp; là giảm mạnh chi phí không chính thức, làm khó doanh nghiệp trong kinh doanh…
Một yếu tố nữa cũng được đề cập là chính sách khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Thực tế, việc quản lý hộ kinh doanh khá lỏng, trong khi quản lý doanh nghiệp quá chặt khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn trở thành doanh nghiệp. Nếu loại bỏ những trở ngại này chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp ra đời hơn.
Từ góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sản xuất và xuất nhập khẩu Vinapro Việt Nam Tạ Ngọc Hùng cho rằng, ngoài khát vọng, “mẫu số chung” để doanh nghiệp tồn tại là sự nỗ lực và sáng tạo. Các thị trường xuất khẩu rộng mở với những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do chính là dư địa để doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới. 
Chia sẻ về kỳ vọng của mình, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc mong muốn, ngoài việc khuyến khích phát triển về số lượng sẽ có chính sách hình thành những doanh nghiệp “sếu đầu đàn” để làm chỗ dựa, lan tỏa, nâng đỡ những doanh nghiệp nhỏ. “Sớm có thương hiệu lớn đồng nghĩa chúng ta có thể tạo ra chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc nói.
Theo Cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Anh Tuấn, nước ta đã đạt nhiều thành công trong thúc đẩy làn sóng khởi nghiệp, huy động nguồn vốn trong dân và sẽ kiên trì mục tiêu này. Việc hoàn thiện, xác lập khung khổ pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động đã cơ bản hoàn tất. Tinh thần cải cách và phục vụ doanh nghiệp cũng được thể hiện rõ trong các quy định, là giải pháp hữu hiệu khuyến khích thành lập doanh nghiệp. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, hy vọng kết quả cụ thể sẽ được thể hiện bằng con số thống kê vào cuối năm 2025.
HỒNG SƠN