Dự án tiêu tốn 4.400 tỉ, ‘đắp chiếu’ 10 năm, thiệt hại 830 tỉ

Dù đã tiêu tốn hơn 4.400 tỉ đồng nhưng dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên vẫn “đắp chiếu” suốt 10 năm qua, gây thiệt hại hơn 830 tỉ đồng.

Ngày 12-4, TAND TP Hà Nội mở phiên xét xử vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 (gọi tắt là dự án), Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO) và một số đơn vị có liên quan.

Đội vốn hơn 4.200 tỉ đồng nhưng vẫn “đắp chiếu”

19 bị cáo hầu tòa về một trong hai tội danh trên, gồm: Mai Văn Tinh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Thép Việt Nam – VNS), Đậu Văn Hùng (cựu tổng giám đốc VNS), Trần Trọng Mừng (cựu tổng giám đốc TISCO), Trần Văn Khâm (cựu chủ tịch kiêm tổng giám đốc TISCO)…

Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, dự án có tổng mức đầu tư hơn 3.800 tỉ đồng, do TISCO làm chủ đầu tư. Dự án gồm nhiều hạng mục, trong đó có gói thầu “dây chuyền luyện kim khu vực Lưu Xá” với tổng giá trị gần 2.600 tỉ đồng.

Dự án tiêu tốn 4.400 tỉ, 'đắp chiếu' 10 năm, thiệt hại 830 tỉ - ảnh 1Các bị cáo tại tòa. Ảnh: TTXVN

Để thực hiện gói thầu trên, tháng 7-2007, TISCO ký Hợp đồng 01#EPC với Tập đoàn Khoa học công nghệ và thương mại luyện kim Trung Quốc (MCC). Giá trị hợp đồng là hơn 160 triệu USD (chia làm ba phần E, P và C). Đây là giá trọn gói, không thay đổi trong suốt quá trình thực hiện.

Sau khi ký kết, TISCO tạm ứng cho MCC 35,6 triệu USD. Tuy nhiên, hơn 11 tháng từ khi khởi công, MCC vẫn chưa hoàn thành thiết kế chi tiết các hạng mục, chưa lựa chọn và ký được hợp đồng với nhà thầu phụ, chưa triển khai thi công bất kỳ hạng mục nào của gói thầu.

Ngược lại, MCC còn có nhiều văn bản gửi TISCO đề nghị kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh giá Hợp đồng 01#EPC tăng hơn 138 triệu USD, với lý do giá cả thị trường biến động.

Cơ quan tố tụng xác định đề nghị của MCC là không có căn cứ, không đúng nội dung thỏa thuận trong Hợp đồng 01#EPC. Lẽ ra, những người có trách nhiệm thuộc TISCO và VNS phải xem xét chấm dứt hợp đồng, thu hồi tiền tạm ứng, áp dụng điều khoản phạt hợp đồng đối với MCC; đồng thời báo cáo người có thẩm quyền để xem xét hủy đấu thầu, tổ chức đấu thầu lại…

Thế nhưng bị cáo Mừng, bị cáo Tinh và một số cá nhân liên quan không những không thực hiện mà còn chỉ đạo, bàn bạc, thống nhất để ký các văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh chi phí Hợp đồng 01#EPC.

Cùng với đó, các bị cáo còn chỉ đạo thực hiện tách phần C của Hợp đồng 01#EPC từ hình thức trọn gói sang đơn giá, lựa chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực để thi công phần C khiến dự án phải dừng triển khai.

Nhà thầu phụ do lãnh đạo Bộ Công Thương giới thiệu

Bị truy tố tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, cựu tổng giám đốc TISCO Trần Trọng Mừng thừa nhận quá trình triển khai dự án nhà thầu có một số vi phạm. Tuy nhiên, ông Mừng cho rằng cáo trạng quy kết mình chủ mưu, cầm đầu là không đúng.

Theo ông Mừng, khi phát hiện MCC vi phạm hợp đồng, ông đã thay mặt TISCO có văn bản nhắc nhở, đốc thúc. TISCO cũng báo cáo sự việc lên VNS và Bộ Công Thương, đề xuất dừng hợp đồng với MCC và phạt doanh nghiệp này. Tuy nhiên, khi đó có chỉ đạo phải tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, đảm bảo tiến độ.

Bị cáo Mừng cho biết TISCO từng lên phương án kiện MCC ra Tòa Trọng tài quốc tế. Điều này được thể hiện qua việc TISCO thuê một hãng luật của Singapore. Hãng luật này thay mặt chủ đầu tư trao đổi với MCC rằng nếu không cải thiện sẽ phải chấm dứt hợp đồng, đồng thời đốc thúc MCC phải tăng tiến độ.

Đáng chú ý, đối với cáo buộc lựa chọn nhà thầu phụ không đủ năng lực để thi công phần C của Hợp đồng 01#EPC, cựu tổng giám đốc TISCO nhận trách nhiệm trong việc giới thiệu Tổng Công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (VINAINCON) làm nhà thầu phụ. Tuy nhiên, đề xuất này của TISCO là dựa trên sự giới thiệu trước đó của một lãnh đạo Bộ Công Thương.

Cụ thể, thời điểm đó, một thứ trưởng Bộ Công Thương đã trực tiếp giới thiệu VINAINCON. Vị này nói đây là doanh nghiệp của bộ, có kinh nghiệm và từng xây lắp nhiều công trình quan trọng.

Thế nhưng cơ quan tố tụng xác định VINAINCON không đủ năng lực khiến TISCO phải ký thêm 13 hợp đồng với 13 nhà thầu phụ khác để làm thay phần việc mà VINAINCON không thể. Cuối cùng, dự án vẫn phải dừng thực hiện.

Về việc tăng thêm chi phí dù Hợp đồng 01#EPC quy định không thay đổi giá trong suốt quá trình triển khai, bị cáo Mừng lý giải vì Thông tư 09/2008 của Bộ Xây dựng cho phép. Đồng thời, Hợp đồng 01#EPC cũng có điều khoản khi Chính phủ có chính sách làm thay đổi giá, các bên sẽ đàm phán lại…

Tuy vậy, cựu tổng giám đốc TISCO không thừa nhận trách nhiệm trong việc đổi phần C từ hình thức trọn gói sang đơn giá, bởi khi ấy ông đã nghỉ hưu. Theo bị cáo, trước khi nghỉ hưu, ông có một văn bản báo cáo toàn bộ về dự án, trong đó giới thiệu VINAINCON làm nhà thầu phụ như đã khai. Ông đề nghị điều chỉnh phần C theo hình thức trọn gói, tức là điều chỉnh một lần chứ không phải theo đơn giá.

“Việc điều chỉnh theo đơn giá sẽ không khuyến khích nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, bởi đơn giá càng về sau càng cao. Đến một lúc nào đó, chủ đầu tư không còn tiền nữa thì dự án sẽ phải dừng” – bị cáo Mừng khai.

Hôm nay, tòa tiếp tục.

Thiệt hại lớn

Theo cáo trạng, tính đến ngày 31-12-2018, tổng số tiền mà TISCO đã bỏ ra cho dự án là hơn 4.400 tỉ đồng. Trong đó, TISCO phải trả lãi ngân hàng hơn 830 tỉ đồng do dự án chậm tiến độ. Số tiền lãi này được xác định là thiệt hại mà các bị cáo gây ra ở vụ án này.

Ngoài ra, do việc điều chỉnh tăng giá phần C, chấp thuận nhà thầu phụ không đủ năng lực khiến hợp đồng chậm tiến độ, phát sinh tăng chi phí… nên VNS và TISCO phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư dự án từ hơn 3.800 tỉ lên hơn 8.100 tỉ đồng (tăng hơn 4.200 tỉ đồng).

 

TUYẾN PHAN