Đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông đã sẵn sàng đón khách
Hiện đã là cuối quý 1-2021, sắp đến thời hạn mà Bộ GTVT sẽ bàn giao cho TP Hà Nội tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông để đưa vào vận hành thương mại, chở khách.
Theo đại diện Công ty TNHH MVT Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông sau 20 ngày vận hành thử và an toàn lao động, an toàn hệ thống, vận hành đơn động, liên động các nhân viên vào đúng vị trí, chuyên gia hỗ trợ giám sát đúng vị trí, đánh giá các lỗi nhỏ có thể xử lý được.
Nhưng sau khi tiếp nhận vẫn cần có chuyên gia hỗ trợ, theo mô hình định biên dự án sẽ có 681 người làm việc, trong đó 651 người được đào tạo bổ sung với 112 chức danh, vị trí công việc.
Đại diện Metro Hà Nội cho biết, thời gian qua đội ngũ vận hành dự án thực hiện tuân thủ quy trình vận hành đã được phê duyệt, đơn vị sẽ tiếp tục củng cố, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao hiệu quả vận hành.
Người dân đang chờ đợi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh- Hà Đông vận hành chở khách
Về thời gian tiếp nhận dự án đưa vào khai thác thương mại, sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá, nghiệm thu dự án và sẵn sàng tiếp nhận khi đủ điều kiện. Trong quá trình dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vận hành thử nghiệm, Tư vấn Pháp, Tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp cùng với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước, Ban quản lý dự án, Metro Hà Nội cùng nhau giám sát chéo để đánh giá an toàn.
Theo dự kiến đề xuất, vé tháng tuyến Cát Linh- Hà Đông có giá trị sử dụng 30 ngày kể từ ngày mua với 2 mức là 100.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thuộc đối tượng ưu tiên theo quy định của thành phố) và 200.000 đồng/tháng (nhóm hành khách thông thường); vé ngày (30.000 đồng/vé, loại vé này không hạn chế số lần sử dụng dịch vụ trong một ngày); vé lượt tính theo chặng sử dụng, dao động từ 8.000-15.000 đồng/lượt tùy theo chặng.
Trong đó, 7.000 đồng là giá mở cửa cộng thêm 600 đồng cho mỗi km tiếp theo; 15.000 đồng là giá vé toàn tuyến.
Đại diện Metro Hà Nội cho hay, đây là dự án đường sắt đô thị đầu tiên và mới của Việt Nam, dự án được TP Hà Nội rất coi trọng do đó cả nhân sự quản lý và nhân sự vận hành đều được đào tạo tại Trung Quốc.
Những nhân sự trực tiếp vận hành dự án có 681 nhân lực, trong đó có 201 người được đào tạo tại Trung Quốc, số còn lại được đào tạo trên tuyến Cát Linh – Hà Đông. Đề cương đào tạo do chuyên gia Trung Quốc xây dựng và được chủ đầu tư phê duyệt, các học viên được sát hạch và vượt qua kỳ thi mới được cấp chứng chỉ và tất cả các học viên được đào tạo an toàn hệ thống và được đào tạo chung về an toàn và các nhiệm vụ công tác.
Những lái tàu được đào tạo ở Trung Quốc 1 năm với 6 tháng học lý thuyết và 6 tháng học thực hành trên các tuyến đường săt đô thị tại Bắc Kinh.
Theo đại diện Bộ GTVT, dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã hoàn tất chương trình vận hành thử nghiệm theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt trong 20 ngày (từ ngày 12 đến 31/12/2020) dưới sự giám sát chặt chẽ của nhiều bên.
Sau quá trình chạy thử, Tổng thầu Trung Quốc và các đơn vị có trách nhiệm đang xây dựng báo cáo chung, đánh giá về quá trình vận hành thử nghiệm. Trước mắt, các bên đã có thống nhất được với nhau về những nội dung cần thiết, xử lý những tình huống giả định về an toàn chạy tàu, trong quá trình vận hành có những phát sinh được phối hợp giải quyết kịp thời.
Lãnh đạo Bộ GTVT nhấn mạnh, an toàn chạy tàu là yêu cầu số 1, sau khi kết thúc quá trình vận hành thử, những vấn đề còn chưa nhuần nhuyễn sẽ tiếp tục được đánh giá kỹ để có hướng khắc phục và hoàn thiện, thậm chí có phương án tiếp tục diễn tập những tình huống giả định trong vận hành, khai thác chạy tàu.
ANTD.VN