Kinh nghiệm dạy Chương trình GDPT mới hiệu quả ở một tỉnh miền núi

Những em học sinh lớp 1 của trường TH&THCS số 2 Hồng Ca.

Giáo viên phải nắm chắc nội dung

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, “yêu cầu về chất lượng đội ngũ đáp ứng chương trình sách giáo khoa mới luôn được chúng tôi đặt ra vì giáo viên có tốt thì mời dạy hay được. Chúng tôi yêu cầu, các cán bộ quản lý và giáo viên cần phải hiểu và phân tích được những điểm mới của từng môn học của SGK mới. Đặc biệt là các nguyên tắc điều chỉnh nội dung và phương pháp dạy học các môn học của chương trình theo định hướng CTGDPT 2018”.

Để giúp GV là quen với SGK mới, tỉnh Yên Bái đã huy động nhiều lượt cán bộ quản lý cấp tiểu học, giáo viên dạy lớp 5 năm học 2020-2021 tham gia tập huấn về SGK mới. Các học viên được hướng dẫn về những nội dung cần điều chỉnh của chương trình lớp 5 hiện hành để chuẩn bị cho học sinh vào học lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các môn học và thực hiện dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh…

Các em học sinh khối 1 đã quen dần với sách giáo khoa mới

Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, chia sẻ: “Thời gian qua, các nhà trường và đặc biệt là đội ngũ giáo viên lớp 1 đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới. Trong thời gian tới, các phòng GD&ĐT và các nhà trường cần tiếp tục hỗ trợ giáo viên lớp 1 với mục tiêu cuối cùng là đảm bảo chất lượng học sinh. Chúng tôi luôn xác định rõ nội dung sách có hay nhưng nếu GV không lĩnh hội được những kiến thức mới thì khó truyền tải cái hay của sách đến với HS được”.

 Nỗ lực từ các nhà trường

Thầy giáo Liễu Anh Cường – Hiệu trưởng Trường TH&THCS số 2 Hồng Ca, huyện Trấn Yên chia sẻ: “Trường tôi có 100% học sinh là người dân tộc H’Mông, các em rất chăm chỉ học tập, nhưng cũng còn nhiều hạn chế mà giáo viên phải bù đắp. Thực hiện chương trình thay sách lớp 1 vừa qua, GV đã rất cố gắng để giúp học  sinh tiếp cận với cái hay, cái mới của sách. Thời gian đầu còn nhiều bỡ ngỡ ở cả cô và trò, đến nay mọi thứ đều đã tốt đẹp. Chúng tôi đã sẵn sàng cho việc triển khai thay sách lớp 2 và lớp 6 trong năm học tới đây”.

Niềm vui được đến trường của các em học sinh

Còn ở Trường TH&THCS bán trú La Pán Tẩn huyện Mù Cang Chải, các thầy cô cũng đang tất bật với việc vừa dạy vừa dỗ. Học sinh ở đây cũng 100% người dân tộc H’Mông nên việc giúp các em học tập tốt được các thầy cô đặc biệt quan tâm. Thầy hiệu trưởng Nông Đức Viễn cho biết: Là những người trực tiếp đứng lớp nên các giáo viên đều hiểu việc nắm vững kiến thức mới sẽ quyết định chất lượng dạy học. Thế nên, các thầy cô đều mong rằng các nhà xuất bản, đơn vị cung ứng sách tổ chức nhiều đợt tập huấn để các thầy cô sớm được làm quen với sách.

Được biết, nhằm đáp ứng chất lượng GD vùng dân tộc, Yên Bái cũng đặc biệt quan tâm khả năng thông thạo tiếng Việt của HS sau khi hoàn thành chương trình lớp 1. Đến nay, để chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các nhà trường đã chủ động xây dựng phương án bố trí giáo viên. Đối với các trường thiếu giáo viên, phân công giáo viên dạy liên cấp, liên trường, chéo môn đối với các môn thiếu giáo viên.

Với đặc thù vùng cao có nhiều học sinh người dân tộc nên các nhà trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái cũng đặc biệt lưu ý tới các môn học mới, môn học tích hợp (Tin học là môn học bắt buộc, môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử – Địa lý là môn học tích hợp…). Để nâng cao hiệu quả dạy – học các môn này, giải pháp được Yên Bái đưa ra là thực hiện bồi dưỡng bằng nhiều hình thức, đặc biệt quan tâm đến sinh hoạt chuyên môn theo cụm trường. Đến thời điểm này, với việc triển khai dạy thay sách lớp 1 đã cho thấy tính hiệu quả cao.

Hà An