Lãi suất và áp lực giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Duy trì mặt bằng lãi suất thấp hiện tại để chia sẻ áp lực lạm phát hay tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ phục hồi và tăng trưởng kinh tế là câu hỏi đang đặt ra cấp bách trong thời điểm hiện nay.

Quy mô tín dụng bằng 146% GDP

Theo ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương, hoạt động tín dụng năm 2020 bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19, đặc biệt là những tháng đầu năm hoạt động sản xuất kinh doanh, tiêu dùng bị chững lại, nhu cầu vay vốn giảm, tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp. Bắt đầu từ cuối tháng 4/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện hàng loạt biện pháp hỗ trợ như: nới lỏng tiền tệ, liên tục hạ các lãi suất điều hành, tăng mua ngoại tệ… giúp thanh khoản hệ thống luôn dồi dào; ban hành các chính sách hỗ trợ các ngân hàng thương mại (NHTM), doanh nghiệp và người dân như giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ… Các chính sách này góp phần giảm áp lực chi phí cho doanh nghiệp trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh khó khăn.

Đến 7/12/2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho trên 270.000 khách hàng, với dư nợ gần 348.500 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 585.300 khách hàng, với dư nợ trên 1.037.700 tỷ đồng, cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến cuối năm 2020 đạt trên 2.235,2 nghìn tỷ đồng cho 386.365 khách hàng.

Mức tăng tín dụng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (Ảnh minh họa: KT)

Nhờ các yếu tố trên, tăng trưởng tín dụng bắt đầu tăng trở lại và tốc độ có giảm nhẹ vào tháng 7, nhưng sau đó tăng trưởng ngày càng cao đến cuối năm. Cụ thể, đến cuối quý I/2020, tăng trưởng tín dụng chỉ có 1,31%, thì cuối quý II/2020 đã tăng dần lên 3,65%. Đến cuối quý III/2020 tăng 6,08% đến cuối năm 2020 thì tăng lên 12,13%.

Ông Nguyễn Tú Anh cho rằng, mức tăng tín dụng cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng kinh tế (4,2% theo GDP danh nghĩa), một phần là do các khoản cho vay trong năm được phép gia hạn, giãn nợ theo các chương trình hỗ trợ của NHNN, do đó, các khoản này chưa quay lại hệ thống ngân hàng.

“Tuy nhiên, khoảng cách tốc độ tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa lên đến gần tám điểm phần trăm cho thấy, dường như tín dụng chưa thực sự đi vào nền kinh tế và hiệu quả tín dụng đối với nền kinh tế là đang kém đi (trong những năm gần đây, tốc độ tăng tín dụng chỉ cao hơn tốc độ tăng GDP danh nghĩa khoảng 3%)”, ông Nguyễn Tú Anh chỉ rõ.

Theo ông Tú Anh, mặc dù lãi suất huy động giảm liên tục, nhưng huy động vốn vẫn liên tục tăng và tăng vượt tốc độ tăng tín dụng khoảng hơn hai điểm phần trăm. Điều này một mặt giúp cho các ngân hàng thương mại tăng thanh khoản và giảm chi phí vốn huy động, mặt khác cũng làm cho tốc độ tăng tổng các phương tiện thanh toán tăng nhanh, trong khi tổng cầu vẫn suy yếu.

“Lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng ở Việt Nam vẫn đang ở mức cao so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực như: Trung Quốc, Thái Lan… làm giảm năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Đồng thời, tạo rào cản phát triển cho các thị trường vốn khác. Hiện, Việt Nam có đủ điều kiện (dòng vốn ngoại tệ thặng dư liên tục, áp lực lạm phát thấp, vốn nước ngoài đổ vào trong nước tăng nhanh…) để có thể thực hiện chính sách tiền tệ lãi suất thấp mà không quá quan ngại đến các yếu tố vĩ mô khác”, ông Nguyễn Tú Anh nhấn mạnh.

Có nên tiếp tục hạ lãi suất?

Ở góc nhìn của một chuyên gia kinh tế độc lập, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính lại cho rằng, quy mô dư nợ tín dụng/GDP vào thời điểm cuối năm 2020 đã ở mức 146% GDP, là mức cao so với mức độ phát triển của nền tài chính. Phép so sánh mặt bằng lãi suất của Việt Nam với một số nước trong khu vực là hơi khập khiễng, vì phải so sánh lãi suất cho vay thực đã cấn trừ lạm phát và một số yếu tố khác.

Theo TS. Cấn Văn Lực, nguyên nhân khiến lãi suất của Việt Nam cao là một phần là do lạm phát của Việt Nam cao hơn nhiều nước trong khu vực (cụ thể: Trung Quốc lạm phát 2%, Philippines và Indonesia lạm phát 2,5%, cả thế giới lạm phát năm 2020 là 2%, trong khi Việt Nam lạm phát năm 2020 là 3,23% và năm nay đang đặt mục tiêu ở mức dưới 4%).

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

 

 

“Rủi ro nền kinh tế và rủi ro của doanh nghiệp Việt Nam rất cao vì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức BB trong khi Indonesia đã được đánh giá mức BBB, Trung Quốc đã gần lên mức A. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao, và đây là lý do quan trọng nhất khiến mặt bằng lãi suất Việt Nam cao”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Bên cạnh đó, chênh lệch lãi suất đầu vào – đầu ra của hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện ở mức trung bình, khoảng 2,6%, trong khi tỷ lệ này ở Trung Quốc là 2,9%, Indonesia 3,3%, Philippine 3%, Myanmar 8%. Ngoài ra, theo TS. Lực, lãi suất đầu vào của Việt Nam khó giảm xuống vì người gửi tiết kiệm luôn kỳ vọng lãi suất cao, nếu điều chỉnh giảm sẽ khiến dòng tiền dịch chuyển.

“Tôi cho rằng phải hết sức cân nhắc về việc có nên tiếp tục giảm lãi suất hay không, bởi lãi suất hiện nay không phải điểm nghẽn của nền kinh tế, tín dụng vẫn tăng trưởng 13-14%, lãi suất hiện nay cũng tương đối thấp, nếu tiếp tục hạ lãi suất thì đồng tiền sẽ dịch chuyển kênh đầu tư, gây áp lực lên lạm phát. Chưa kể năm 2021, giá dầu thô dự báo tăng 30%, đây là yếu tố tác động rất lớn đến lạm phát”, TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.

Còn theo PGS. TS. Tô Trung Thành, Khoa Kinh tế học, trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, tác động của việc giảm lãi suất điều hành đến mặt bằng lãi suất cho vay ở Việt Nam là khá hạn chế. Nguyên nhân chủ yếu là do những điểm nghẽn của hệ thống tài chính tiền tệ, trong đó có những ràng buộc của các chính sách đảm bảo an ninh tiền tệ và lành mạnh hệ thống như lộ trình kiểm soát rủi ro và nâng cao năng lực tài chính cho hệ thống ngân hàng. Đặc biệt, trong thời kỳ đại dịch, công cụ lãi suất nói riêng và chính sách tiền tệ nói chung thường có ít hiệu quả trong việc kích thích tổng cầu.

“Chính sách tiền tệ nới lỏng chưa thực sự có hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế trong khi lại gia tăng rủi ro về bất ổn kinh tế vĩ mô. Do đó, trong thời gian tới, các nỗ lực chính sách nên tập trung vào việc cắt giảm lãi suất cho vay hơn là lãi suất huy động”, PGS. TS. Tô Trung Thành khuyến nghị.

Diệp Diệp/VOV.VN