Nhiều thương vụ M&A dần được hé lộ trong mùa ĐHĐCĐ năm nay

Âm thầm rồi chớp nhoáng thực hiện, thương vụ mua lại hơn 51% vốn Công ty cổ phần CMC (mã CVT) của Nhựa Đồng Nai được ghi nhận là thương vụ mua bán – sáp nhập thành công mới đây.
Chỉ bằng vỏn vẹn 20 lệnh giao dịch thỏa thuận trên sàn chứng khoán TP.HCM, 18,76 triệu cổ phiếu CVT, tương đương 51,1% vốn điều lệ của Công ty cổ phần CMC – hãng sản xuất gạch ốp lát có tiếng tại Phú Thọ đã sang tay chủ mới. Bên mua không ai khác chính là CTCP Nhựa Đồng Nai.
Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 của CMC tổ chức ngày 21/3 đã thông qua việc cho phép Nhựa Đồng Nai mua trên 25% lượng cổ phần có quyền biểu quyết mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. Ngay sau đó một ngày, doanh nghiệp này đã thông báo mua 19 triệu cổ phiếu CVT và nhanh chóng mua được gần hết trong ngày đầu tiên đăng ký. Cũng tại Đại hội đồng cổ đông, CMC bầu ra HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ mới, với 4/7 nhân sự trong HĐQT là người từ Nhựa Đồng Nai.
Không diễn ra âm thầm rồi chóng vánh bất ngờ như những chuyển biến thượng tầng tại CMC, thương vụ M&A giữa Vĩnh Hoàn và Sa Giang – hai doanh nghiệp niêm yết từ Đồng Tháp lại khá dễ đoán. Phần lớn lượng cổ phần SGC mà Vĩnh Hoàn có được là từ hoạt động đấu giá cổ phần do Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) sở hữu.
“Như lò xo bị nén lại trong năm 2020, nhiều chuyên gia dự báo năm nay sẽ chứng kiến sự bùng nổ các thương vụ M&A”
Gần 348 tỷ đồng là số tiền mà Vĩnh Hoàn đã trả cho SCIC để mua lại 49,89% vốn hồi cuối năm 2020. Cùng với số cổ phần nhỏ lẻ đã mua gom trước đó, Vĩnh Hoàn đã trở thành công ty mẹ của Sa Giang.
Không dừng lại, doanh nghiệp ngành thủy sản này còn đang rục rịch kế hoạch mua thêm 25,43% vốn Sa Giang từ 4 cá nhân, dự kiến nâng tỷ lệ sở hữu lên 76,72%. Hoạt động mua lại công ty của Vĩnh Hoàn được đánh giá là thương vụ M&A mở màn thành công cho năm 2021.
Nhiều thương vụ khác đang dần được hé lộ trong mùa đại hội năm nay. Một trong các tờ trình tại cuộc họp cổ đông của Transimex dự kiến tổ chức ngày 29/4 là phương án đầu tư mua cổ phần CTCP Thủy đặc sản (Seaspimex). Chủ tịch HĐQT của Transimex cũng đang nắm giữ gần 2,6% vốn Seaspimex. Kế hoạch mua lại cũng như mục đích đầu tư chưa được Transimex công bố. 
Hay với GTNFoods, thông qua hình thức hoán đổi cổ phần, Vilico sẽ sáp nhập doanh nghiệp này với tỷ lệ 1 cổ phiếu VLC phát hành mới hoán đổi 1,6 cổ phiếu GTN. Từ vị thế là công ty mẹ sở hữu gần 74% vốn của Vilico, đồng thời là một trong những “cá mập” tham gia tích cực vào những thương vụ M&A các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, GTNFoods sẽ sáp nhập và chính thức bị xóa sổ.
Với khẳng định của bà Mai Kiều Liên, người đang giữ vị trí Chủ tịch HĐQT của cả 2 doanh nghiệp cũng như cương vị CEO của Vinamilk tại đại hội vừa qua, việc sáp nhập hoán đổi trong nhóm các công ty này sẽ không có thêm trong 5-10 năm tới. Như vậy, thương vụ M&A ngược này sẽ khép lại giai đoạn tái cơ cấu tổ chức sau khi Vinamilk chi hàng ngàn tỷ đồng mua lại GTNFoods cuối năm 2019.
Chuẩn bị nguồn lực
Để chuẩn bị cho thương vụ mua lại, ngay một tuần trước ngày “xuống tiền”, HĐQT Nhựa Đồng Nai thống nhất chi tối đa 1.100 tỷ đồng. Chưa đầy nửa năm trước, doanh nghiệp này đã chào bán gần 10 triệu cổ phiếu từ cổ đông hiện hữu với giá gần 20.700 đồng/cổ phiếu. Dù chỉ phân phối cho chưa đến 40 nhà đầu tư, Nhựa Đồng Nai cũng bán được 91,5%, thu về 189 tỷ đồng. Mục đích của đợt phát hành là trả nợ vay, nhưng tổng vay nợ ngân hàng của công ty mẹ cuối năm 2020 không giảm, thậm chí còn tăng 32%, lên hơn 1.640 tỷ đồng.
Ngoài việc tích lũy nguồn tiền từ cả vốn tự có và vốn vay, nếu không gom sẵn cổ phiếu qua các đầu mối, Công ty khó lòng thực hiện thương vụ nhanh chóng như vậy. Nhất là khi trước Nhựa Đồng Nai, một nhà đầu tư khác tại Phú Thọ là CTCP Gạch ốp lát Hòa Bình Minh đã liên tục mua cổ phần tại CMC và tăng sở hữu lên 17%.
Thương vụ mua cổ phần Sa Giang không mấy gay cấn, khi chỉ có một nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần của SCIC. Nhưng theo chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, một lãnh đạo của Vĩnh Hoàn cho biết, trước khi đi đến quyết định, Công ty cũng đã gặp gỡ với các cổ đông lớn khác của Sa Giang để tìm được tiếng nói chung.
Về tài chính, tích lũy từ hoạt động kinh doanh giúp Vĩnh Hoàn có sẵn lượng tiền nhàn rỗi. Trước khi đầu tư dài hạn vào Sa Giang, doanh nghiệp này còn tận dụng cơ hội từ sự phục hồi của thị trường chứng khoán để mua cổ phiếu và chốt lời.
Để tích lũy tài chính, Transimex hiện đã thông qua phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi (200 tỷ đồng) và đang chuẩn bị trình cổ đông phát hành trái phiếu thường (300 tỷ đồng) để phục vụ hoạt động đầu tư. Masan HighTech Materials – công ty con của Masan dự kiến trình cổ đông kế hoạch tăng vốn qua chào bán riêng lẻ cổ phần. Một trong 5 mục đích chào bán được chỉ ra là để phục vụ các hoạt động M&A của doanh nghiệp.
Với các thương vụ M&A “tây mua ta”, năm 2020 là một quãng trầm lắng do hạn chế đi lại kéo theo sự đình trệ các hoạt động nghiên cứu thị trường.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, M&A nước ngoài với doanh nghiệp trong nước sụt giảm 40% về giá trị so với năm 2019. Tuy nhiên, đã có những tín hiệu nóng lên đặc biệt ở nhóm công ty tài chính. SHB đã trình cổ đông về việc thoái vốn công ty con SHBFC từ đại hội cách đây 1 năm, hay việc bán vốn FE Credit của VPBank cũng đã rục rịch từ lâu.
Gần đây nhất, tại cuộc họp ĐHĐCĐ MSB, ngân hàng này cho biết, đang đàm phán với một đối tác nước ngoài để bán 50% vốn của FCCOM sau khi thương vụ với Hyundai Card đổ bể.
Thanh Thủy