Dọc theo quốc lộ 46, đi ngược huyện Thanh Chương, chúng tôi đến xã biên giới Thanh Thủy, nơi có 7km đường biên giáp với nước bạn Lào. Hai bên con đường nhựa uốn lượn, vắt vẻo như dải lụa là rừng cây, nương chè ngút ngàn một màu xanh xen lẫn những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi. Ngồi trên xe đi qua cầu tràn, Võ Tuấn Vy – Tổng Đội phó Tổng đội TNXP 5 kể: “Con suối này xưa sâu và rộng lắm, đá lởm chởm như chông, không cẩn thận trượt chân là bị nước cuốn đi, phải rất khó khăn thì anh em mới mò mẫm vượt qua được. Mỗi lần qua suối là một lần ám ảnh với đàn đỉa đói lao tới. Giờ nhớ lại, vẫn sợ”. Thuộc nhóm đoàn viên thanh niên đầu tiên lên mảnh đất Thanh Thủy lập nghiệp hơn 20 năm trước với nhiệm vụ khai mở đất đai, xây dựng kinh tế mới, anh Hoàng Văn Đông – Tổng đội Trưởng Tổng đội TNXP 5 chia sẻ: “Tôi cho rằng đây là kỳ tích của thanh niên xung phong Nghệ An”.
Năm 2000, Đông là cán bộ của Huyện đoàn Thanh Chương được Tỉnh đoàn Nghệ An cử lên xã Thanh Thủy để khảo sát địa bàn. Đến tháng 6/2001, anh chính thức là thành viên của nhóm TNXP khai hoang lập nghiệp giữa chốn “rừng thiêng nước độc”. “Từ những ngày đầu, nơi chúng ta đứng là một vùng rừng núi hoang vu, thời tiết khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, không đường, không điện. Chỉ với 5 cán bộ, 23 đội viên tuổi mười tám đôi mươi, không quản ngày đêm cùng nhau băng rừng, lội suối, phát quang cây dại, tổ chức quy hoạch vườn hộ và bắt tay vào việc xây dựng vườn ươm chè, cây ăn quả”, anh Đông cho hay.
Trong muôn vàn khó khăn của những ngày đầu, anh Võ Tuấn Vy cho biết, khó khăn lớn nhất là con đường. “Thời điểm đó chưa có cầu, để đến được Thanh Thủy phải qua đò ngang sông Lam, rồi tiếp tục đi bộ từ Trung tâm xã vào hơn 15km. Sáng xuất phát từ thành phố Vinh phải xế chiều mới tới nơi. Tối đến, đèn dầu leo lắt giữa màn đêm tĩnh mịch, anh em đóng cọc dựng lán, chặt tre nứa làm phên phản để nằm, phía dưới phải rắc vôi bột đề phòng sên, vắt bò lên. Nhiều người ngã bệnh sốt rét. Gian nan là vậy nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, không ai có suy nghĩ quay đầu bỏ cuộc. Làm ngày, làm đêm, quyết liệt lắm”.
“Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là vào mùa mưa lũ, khu vực trụ sở của Tổng đội bị cô lập, lương thực, thực phẩm cạn kiệt giữa bốn bề nước bao vây. Không biết làm sao, anh em phải đến các đội sản xuất vay từng cân gạo của đội viên, cầm cự qua ngày”, Hoàng Văn Đông nhớ lại.
Vùng kinh tế trù phú
Đứng ở trụ sở Tổng đội TNXP 5 phóng tầm mắt ra xa là một màu xanh của nương chè, vườn cam, rừng cây. Không ai nghĩ mảnh đất trù phú này hơn 20 năm về trước là chốn “thâm sơn cùng cốc”. Để chứng thực sự đổi thay kỳ diệu, anh Võ Tuấn Vy dẫn chúng tôi đi xem mô hình các đội sản xuất. Trên đường, không khó để gặp những đội viên đang miệt mài với công việc của mình. Tiếng máy vang rền mùa thu hoạch keo, tiếng xe nổ giòn chở từng bảo tải đựng chè đến xưởng chế biến, chở từng thùng cam chín vàng về xuôi…
Cùng vợ đang thu hoạch chè, anh Trần Đình Tuấn (SN 1976, Đội sản xuất số 2, Tổng đội TNXP 5) ngừng tay mỉm cười chào thân thiện. “Tôi quê ở thị trấn Nam Đàn, lên lập nghiệp ở đây được 20 năm rồi. Theo tiếng gọi của Tỉnh đoàn Nghệ An, đội sản xuất của chúng tôi vào nơi này lập làng lập xóm. Một vùng núi hoang vu, chỉ có lối mòn của lâm tặc kéo gỗ. Đói khát mùa mưa lũ, Tổng đội phải vào cứu trợ lương khô, mì tôm. Quyết tâm bám đất, bám làng, sau nhiều tuần liền, từng mảng đồi được khai mở, từng mái ngói mọc lên như những đốm lửa xua tan cái hiu hắt, vắng lặng miền rừng. Tiếp nhận cây giống từ Tổng đội như chè, măng tre điền trúc, cây ăn quả, để hôm nay là những cánh rừng mênh mông bát ngát đang cho thu hoạch. Mỗi năm gia đình tôi hái hơn 30 tấn chè búp tươi, riêng số tiền chè khoảng 200 triệu đồng/1 năm, chưa kể các cây trồng khác và chăn nuôi”, Tuấn hào hứng. Được biết, Trần Đình Tuấn và nhiều đội viên khác đã được Trung ương Đoàn tặng bằng khen vì có công xây dựng, phát triển lực lượng TNXP.
Những con số nói lên tất cả, nơi rừng núi biên cương hoang hóa, kỳ tích vùng kinh tế trù phú được tạo dựng nên từ bàn tay, con tim đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ. 

CẢNH HUỆ