Tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển công nghiệp điện ảnh

Nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển công nghiệp điện ảnh, tháo gỡ vướng mắc, đưa điện ảnh thực sự trở thành một nền công nghiệp văn hóa mũi nhọn, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tổ chức Hội nghị tham vấn chuyên gia về tình hình thực hiện Luật Điện ảnh và góp ý xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi).

Bố già, bộ phim đạt kỷ lục doanh thu đến thời điểm này

Bố già, bộ phim đạt kỷ lục doanh thu đến thời điểm này

Định vị lại vai trò của điện ảnh

Theo các chuyên gia, công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam chỉ có thể phát triển lên tầm cao mới khi được hỗ trợ bởi các chính sách của Nhà nước. Các chính sách được xây dựng cho lĩnh vực này cần bảo đảm sự cân bằng giữa nhu cầu của các đơn vị làm phim với mối quan tâm của xã hội. Song trước hết cần phải có cách nhìn nhận đúng về vị trí hiện tại của điện ảnh.

TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam, cho rằng: Luật Điện ảnh 2006 xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu để điều chỉnh hoạt động sáng tác – phát hành – phổ biến tác phẩm điện ảnh. Trong khi đó, điện ảnh từ lâu đã vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Muốn phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam, phải đổi mới quan niệm, từ nhà quản lý đến nhà làm phim, rằng điện ảnh không chỉ là ngành nghệ thuật, phim không chỉ là tác phẩm mà còn là hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của sáng tạo và công nghệ, đem lại giá trị tinh thần và giải trí cho công chúng, đồng thời có khả năng thu lợi để tái sản xuất và phát triển. Vì vậy, nếu có nhiều phim làm ra không đến được khán giả với lý do “phim nghệ thuật” thì điện ảnh vẫn không thể phát triển.

Đồng tình với nhận định này, bà Ngô Bích Hạnh, Công ty BHD, cũng cho rằng Luật Điện ảnh nên thay đổi cách tiếp cận, không chỉ xem điện ảnh là một ngành dịch vụ mà trọng tâm phải là công nghiệp sản xuất phim và có các chính sách hỗ trợ phim Việt. “Hiện tại ở thị trường điện ảnh Việt Nam, phim có doanh thu cao nhất là Bố già, ra rạp năm 2021 với doanh thu hơn 400 tỷ đồng, bằng tiền bán hơn 30.000 tấn gạo. Tiền sản xuất bộ phim này là 23 tỷ đồng. Và đây mới chỉ là doanh thu trong nước, chưa kể nước ngoài…”, bà Hạnh dẫn chứng. Vì vậy, đại diện Công ty BHD đề xuất Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có các chính sách thuế, ưu đãi đất đai cho doanh nghiệp trong nước; tạo quỹ đầu tư với các hình thức khuyến khích để doanh nghiệp trong nước đầu tư nhiều hơn vào rạp chiếu phim; tạo nguồn vốn vay lãi suất thấp cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư rạp chiếu phim…

Xây dựng cơ chế thân thiện, minh bạch 

Thiết lập các chính sách minh bạch, tạo môi trường thân thiện cho điện ảnh cũng là điều các nhà làm điện ảnh mong mỏi, cụ thể như việc đặt hàng sản xuất phim. Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Bộ VH-TT-DL, cho rằng: Luật Điện ảnh hiện hành và các văn bản hướng dẫn cần được sửa đổi theo hướng cân nhắc quy định cả hình thức đấu thầu và đặt hàng sản xuất phim. TS Ngô Phương Lan cũng đề xuất nên có sự thay đổi căn bản về phương thức đặt hàng: “Nên tính đến việc thay thế quy trình đặt hàng bằng khâu duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất bằng phương thức hiệu quả hơn mà nhiều nước áp dụng với nguồn kinh phí của Nhà nước. Ví dụ, tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ… hoặc tất cả các khâu nhưng theo quy định cụ thể. Ngoài ra, nên có chính sách đầu tư việc tuyên truyền, quảng bá, tiếp thị phim Nhà nước đặt hàng để nâng cao hiệu quả xã hội của các phim này”.

Vấn đề xóa bỏ cơ chế duyệt phim tiền kiểm chuyển sang hậu kiểm cũng được đề xuất. Liên quan đến việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, hội nhập với công nghiệp điện ảnh thế giới, một số ý kiến cho rằng Luật Điện ảnh (sửa đổi) cần có quy định cụ thể và minh bạch, rõ ràng về thủ tục, ưu đãi cho đoàn phim nước ngoài đến Việt Nam, cơ chế đối với phim hợp tác sản xuất… Qua đó thúc đẩy công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển, nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh và các ngành dịch vụ liên quan, tạo nguồn thu, giúp điện ảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời quảng bá đất nước, con người Việt Nam, góp phần phát triển du lịch…

Ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương), cho rằng với tính chất đặc thù liên quan đến truyền bá văn hóa, chương trình điện ảnh quốc gia cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản xuất phim Việt Nam, tăng cường hoạt động quảng bá phim không chỉ giới hạn trong nước, mà còn ở các thị trường nước ngoài. Khi đó, vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp sản xuất phim được nâng cao, tạo ra lợi thế kinh doanh đáng kể trong việc đàm phán với doanh nghiệp phát hành và doanh nghiệp phổ biến.

MAI AN