Tết Tân Sửu đến thăm đền ông trâu vàng cạnh hồ Tây
Khi năm Canh Tý 2020 đi qua với nhiều biến động, khó khăn do dịch COVID-19, năm Tân Sửu 2021 đến, mang nhiều kỳ vọng và mong muốn hơn. Một ngôi đền mang hình tượng con trâu chắc hẳn sẽ là nơi để gửi gắm nhiều ước vọng và lời thỉnh cầu.
Nếu dự định đi lễ tại Phủ Tây Hồ (làng Nghi Tàm, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội), chắc hẳn mọi người không thể bỏ qua đền Kim Ngưu – ngôi đền nằm trong khuôn viên của phủ tại số 52 phố Đặng Thai Mai.
Nếu bên phủ thờ Mẫu Liễu Hạnh trong tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian thì bên đền lại thờ ông trâu thần hay trâu vàng. Đi qua cổng tam quan từ ngoài bước vào, đền Kim Ngưu nằm bên phải. Khuôn viên của phủ và đền nằm ngay bên mé hồ Tây.
Theo ông Nguyễn Văn Thư, Phó ban quản lý Phủ Tây Hồ, khi xưa phủ từng chịu tàn phá nặng nề do chiến tranh, đặc biệt là thời kháng chiến chống Pháp. Mãi đến năm 1999, Ban quản lý Phủ Tây Hồ mới tôn tạo lại đền với diện mạo như ngày nay.
Trong đền thờ có tượng hai ông trâu đồng, phủ sơn vàng do người dân cung tiến từ năm 2010. Ông Thư cho biết hình tượng này được coi như thành hoàng làng, phù hộ cho dân chúng được bình an, no đủ. Đền cũng là nơi gửi gắm ước nguyện cho quốc thái dân an, trấn trừ những điều chẳng lành.
Theo truyền thuyết mà ông Thư kể lại, vào thế kỷ 11 dưới triều Lý có một vị thiền sư, hiệu là Nguyễn Minh Không. Ông không chỉ đắc đạo, có pháp thuật tinh thông mà còn giỏi chữa bệnh và giỏi nghề đúc đồng.
Không chỉ được triều đình Lý trọng dụng, ông còn được vua Tống ở Trung Quốc mời sang để chữa trị cho con trai mình đang mắc bệnh hiểm nghèo. Sau khi vị thiền sư chữa khỏi cho thái tử, vua Tống rất cảm phục nên đã mời ông lấy bất cứ sản vật nào trong kho của mình.
Trước cơ hội ngàn năm có một, vị thiền sư chỉ xin một khối đồng đen rồi cưỡi nón bay về nước Nam. Có dị bản cho biết ông sử dụng phép thần thông để thu vào tay mình toàn bộ đồng đen có trong kho.
Tại quê hương, ông đúc một chiếc chuông từ khối đồng này. Truyền thuyết kể rằng khi ông đánh lên một tiếng, trâu vàng ở nước Bắc nghe thấy liền lập tức chạy tới. Chú trâu ngỡ đó là tiếng của mẹ mình theo quan niệm rằng đồng đen rất có giá trị, đến nỗi người ta coi “đồng đen là mẹ của vàng.”
Chạy sang đất của nước Nam, tiếng chuông ngừng vang vọng, con trâu hoang mang và không ngừng chạy quanh. Vùng đất nó quần thảo trở nên sụt lún, về sau tạo thành hồ nước mà người dân gọi là hồ Kim Ngưu – chính là hồ Tây ngày nay.
Sau khi con trâu nhảy xuống nước, thiền sư Nguyễn Minh Không cũng thả chiếc chuông đồng xuống hồ.
Ông Nguyễn Văn Thư kể thêm, sau thuyết nọ còn có lời truyền rằng gia đình nào có 10 người con trai thì sẽ kéo con trâu vàng lên. Vì mong muốn cuộc sống ấm no, một gia đình nọ dẫn 10 người con trai chèo thuyền ra hồ, nhưng chỉ vừa kéo lên khỏi mặt nước, trâu vùng vãy tuột ra khỏi dây rồi lặn trở lại xuống nước…
Ông Thư lý giải rằng vì người con thứ 10 chỉ là con nuôi chứ không phải con đẻ nên mới không thể kéo trâu vàng lên được. Đây có thể là câu chuyện răn dạy về tính trung thực.
Theo thông tin từ quận Tây Hồ, khi đền Kim Ngưu bị tàn phá trong chiến tranh chống Pháp, cây đa trăm tuổi vẫn sừng sững đứng vững qua năm tháng. Trên cây từng có bàn thờ mà dân làng dựng lên để cho vị thần trâu vàng.
Ngày 23/11/2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công nhận cây đa cổng đền Kim Ngưu và cây si trong khuôn viên Phủ Tây Hổ là Cây Di sản Việt Nam.
Ngày nay, cây đa phủ được bảo vệ xung quanh với một hàng lan can đỏ, phủ bóng tới giữa sân đền và đôi trâu vàng ngự dưới gốc cây. Hiện nay, trong đền vẫn còn giữ 32 sắc phong của triều đình từ thời Lê đến thời Nguyễn.
Hàng năm, phủ và đền đón khoảng 10.000 tới 20.000 du khách tới tham quan, cúng lễ, cầu an cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an, sung túc.
Từ lâu nay, con trâu đã là hình ảnh tượng trưng cho nền văn hóa lúa nước, nông nghiệp của Việt Nam. Như nhà sử học Lê Văn Lan, con trâu “tượng trưng cho sức kéo của văn hóa, vừa là bằng chứng cho tình bằng hữu sâu sắc giữa người và vật, vừa tôn vinh, tri ân, hợp tác lẫn nhau để cùng làm kinh tế.”
Đầu năm mới Tân Sửu 2021, câu chuyện về ông trâu nhằm khẳng định vị thế đậm đà trong cả đời sống văn hóa, tinh thần lẫn tâm linh về con trâu trong tâm trí người Việt, đồng thời hướng về một khởi đầu tấn tới, khởi sắc và ấm no hơn.