Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới

Ngày 10/3, tại Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ – UN Women tổ chức diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”.

Diễn đàn được tổ chức nhằm đóng góp vào tiến trình đánh giá 5 năm Việt Nam thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2021 với chủ đề toàn cầu “Phụ nữ trong lãnh đạo: Tiến tới một tương lai bình đẳng trong một thế giới có Covid-19”.

Bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam phát biểu tại diễn đàn.

Diễn đàn cũng kêu gọi quyền ra quyết định của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, việc trả lương bình đẳng, chia sẻ bình đẳng các công việc gia đình và công việc chăm sóc không được trả công, chấm dứt mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái cùng các dịch vụ y tế đáp ứng nhu cầu của phụ nữ.

Các nỗ lực để phục hồi do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến độ và là cơ hội để cải thiện việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài việc là một mục tiêu độc lập, Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới còn là một mục tiêu xuyên suốt của tất cả các Mục tiêu phát triển bền vững khác, do đó, bình đẳng giới là trọng tâm của các nỗ lực phát triển.

Ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Điều này đòi hỏi chúng ta tìm hiểu các nhu cầu và tác động khác nhau của tất cả các can thiệp phát triển kinh tế – xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái, nam giới và trẻ em trai. Bằng cách nhận ra những khác biệt về giới đó, các chính sách phát triển sẽ trở nên hiệu quả hơn. Do đó, các biện pháp ứng phó và phục hồi hậu quả của đại dịch Covid-19 có nhạy cảm giới là rất quan trọng.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên Hiệp phụ nữ Việt Nam, cho biết: “Trong các tình huống khủng hoảng, phụ nữ là một nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, phụ nữ cũng là tác nhân tích cực để kiến tạo sự thay đổi. Vì vậy, cần tạo điều kiện để chị em phát huy thế mạnh, đóng góp cho sự phát triển của đất nước và phát triển bền vững nói chung”.

Với sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực phát triển bền vững và bình đẳng giới, các đại biểu tại diễn đàn đã thảo luận những sáng kiến, kinh nghiệm trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ.

Quang cảnh diễn đàn “Thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững từ góc độ bình đẳng giới”.

Phát biểu tại diễn đàn, ông Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh rằng: “Các quốc gia nên tạo điều kiện để xây dựng một môi trường hòa nhập và thuận lợi hơn, trong đó tất cả phụ nữ có thể tham gia vào mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, bằng cách đặt ra các mục tiêu tham vọng hơn, nâng cao ý chí chính trị, tài chính bền vững và các sắp xếp thể chế có nhạy cảm giới.

Là một trong những quốc gia luôn nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Việt Nam đang có cơ hội tuyệt vời để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong bối cảnh Covid-19. Liên Hợp Quốc sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ nhân dân và Chính phủ Việt Nam”.

Kết quả trao đổi thảo luận của diễn đàn sẽ góp phần thúc đẩy đề xuất chính sách và lồng ghép giới trong các nỗ lực nhằm thúc đẩy việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam.

 

Lương Hằng