Trà hoa vàng

Trà hoa vàng còn được gọi là trà trường thọ, kim hoa trà…, để thu được 1kg trà hoa vàng khô thì cần tới 6 kg tươi. Hiện giá bán của trà hoa vàng lên đến trên dưới 2 triệu đồng/lạng.
Vốn là loại cây mọc hoang, không ai nghĩ lại có giá cao như vậy. Đó chính là cây trà hoa vàng. Hiện nay, nhiều người đã đưa cây trà hoa vàng về trồng tại vườn. Cây có thể cho thu hoạch lá sau 3 năm, còn sau 4-5 năm thì người trồng có thể thu hoạch hoa.
Trà hoa vàng còn được gọi là trà trường thọ, kim hoa trà… chúng mọc hoang dại ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, Yên Bái, Phú Thọ, Hòa Bình… Để có thể thu được trà hoa vàng chất lượng tốt nhất, người trồng phải tạo được môi trường sống cho cây như trong tự nhiên. Một cây có thể cho 1kg hoa tươi/vụ, 1ha trà cho khoảng 250kg hoa tươi.
Sau khi thu hoạch hoa, hoa sẽ được tách các cánh ra để đem vào sấy. Sau khi sấy xong sẽ được đóng gói, đóng hộp bán ra thị trường và dùng để pha nước. Hoa tươi muốn thành trà khô cần sấy trong khoảng 15 tiếng. Để thu được 1kg trà hoa vàng khô thì cần tới 6kg tươi. Hiện giá bán của trà hoa vàng lên đến trên dưới 2 triệu đồng/lạng.
Huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) là nơi có nhiều trà hoa vàng nhất. Người dân Ba Chẽ vẫn hái nụ và hoa trà hoa vàng để dùng, giúp tăng cường sức khỏe hoặc bán ra thị trường với giá cao. Tới nay, huyện Ba Chẽ đã hoàn thành quy hoạch vùng trồng dược liệu trên 3.000ha, trong đó dành cho trồng cây trà hoa vàng 500ha, khoảng 10ha đã cho thu hoạch.
Trà hoa vàng có giá trị rất cao về sức khỏe và thương mại. Muốn trồng được loại cây “vàng” này đòi hỏi phải nắm chắc kỹ thuật. Trước hết là khâu chuẩn bị đất, rất quan trọng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, phòng ngừa nấm bệnh về sau. Có thể dùng đất phù sa, đất ruộng, đất đồi hay đất đóng bao để trồng cây trà hoa vàng. Đất trồng trà phải được phơi khô, hoặc ủ chế phẩm sinh học để diệt trừ nấm bệnh. Đất phải đảm bảo dinh dưỡng và thoát nước tốt.
Người dân cũng có thể trồng trà hoa vàng trong chậu như một loại cây cảnh. Đầu tiên ta phải chọn chậu có kích thước phù hợp với cây, sau đó lấy viên sỏi hay mảnh sành bịt lỗ thoát nước. Rải 1 lớp sỉ than hay than hoa xuống đáy chậu dày khoảng 2 cm. Cần lưu ý mặt đất phải thấp hơn đáy chậu khoảng 3 cm để sau này bón phân hay tưới nước được thuận tiện.
Trà hoa vàng không ưa ánh nắng trực xạ nên phải làm mái che hoặc trồng dưới bóng của tán cây khác. Khi chuyển sang mùa Đông và mùa Xuân tiết trời dâm mát thì ta cần tháo lưới tre nắng giảm lượng tưới nước để cây quang hợp mặt trời. Nếu không đủ quang hợp mặt trời cây sẽ rụng nụ, rụng lá, rụng hoa.
Từ lúc trồng đến khi cây cao 0,8m đến 1m, cứ một tháng cho bón phân một lần. Dùng nước ốc ngâm hay nước bể phốt, pha loãng với 3 đến 4 phần nước lã tưới đều. Nếu không có loại phân trên có thể bón phân NPK hoặc phân chuồng, phân hữu cơ…. Với những cây bón loại phân này cho tốc độ sinh trưởng tốt, ít nấm bệnh, khả năng đề kháng cao và cuối cùng là cho nhiều hoa, hoa to và đậm mầu hơn, chất lượng và sản lượng tốt hơn.
Đối với tưới nước thì cần tưới nước thường xuyên. Mùa Hè 2 lần 1 ngày, mùa Xuân và Thu 1 lần một ngày, mùa đông 2 ngày 1 lần. Phải nhớ không để đất khô trắng trên 10 ngày hay ngập úng quá 4 ngày. Không tưới nước cho cây vào ban tối, đêm để tránh nấm bệnh cho rễ cây.
Diệt trừ sâu bệnh là vấn đề tối quan trọng liên quan đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của cây trà hoa vàng cũng như chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của sản phẩm thu hái. Cây trà hoa vàng thường mắc ít bệnh. Những  bệnh thường gặp như bệnh sâu đục thân, bệnh sâu ăn lá, các loại rệp, nhện đỏ…Vì thế người trồng có thể chọn phun các loại thuốc trừ sâu bán trên thị trường. Tuy nhiên phải cách xa ngày thu hoạch hoa và lá ít nhất 1 tháng.
VĂN DÂN