Đóng góp của nữ doanh nhân trong phát triển kinh tế rất to lớn

So với trước đây, số doanh nghiệp do phụ nữ quản lý, điều hành thành công tăng rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của phụ nữ, cũng như sự bình đẳng giới trong hoạt động kinh tế. Họ đã nhận được những chia sẻ từ gia đình để cống hiến, đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội.

Việt Nam đã đạt được những thành tựu về phát triển kinh tế thời gian qua, ghi nhận về thành công đó, ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Công Thương cho rằng, có sự đóng góp rất lớn của lực lượng nữ doanh nhân.

Theo một khảo sát năm 2019 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỷ lệ doanh nghiệp (DN) do nữ làm chủ đang chiếm khoảng 24-25% trong số DN đang hoạt động. Ông có đánh giá nào về số lượng phụ nữ quản lý DN hiện nay.

Lực lượng doanh nhân nữ đang đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước
Nếu tính bình diện chung, phụ nữ luôn luôn là một nửa thế giới. Nhưng từ trước tới nay, số lượng người làm chủ DN là phụ nữ lại thấp hơn nam giới, thậm chí ngay tại nhiều quốc gia phát triển.Vấn đề đặt ra ở đây, trước hết là do liên quan đến yếu tố văn hóa giới tính.

Trong kinh doanh luôn đòi hỏi tính mạo hiểm, táo bạo, dám nghĩ, dám làm và chịu được sức ép của cạnh tranh. Vì vậy, nam giới vốn là trụ cột của gia đình nên họ sớm tham gia thương trường như một lẽ chính yếu và theo thời gian, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thì số DN do đàn ông làm chủ nhiều hơn.

Riêng phụ nữ, với bản tính chắc chắn, họ ít phiêu lưu và khó ưa mạo hiểm, mặt khác họ vốn đảm nhiệm vai trò đối nội, thực hiện thiên chức người phụ nữ nhiều hơn nên điều kiện để họ phát triển sự nghiệp sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện số DN do nữ làm chủ đang có xu hướng ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 24-25% theo tôi là một kết quả rất ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực, phấn đấu vươn lên của của phụ nữ Việt Nam trong hoạt động kinh tế của đất nước.

Mặc dù số phụ nữ làm chủ DN còn thấp hơn so với nam giới, nhưng theo VCCI, hiệu quả kinh doanh của các DN đang ngày càng cải thiện. Điều này cho thấy vai trò, sự đóng góp của nữ giới đối với sự phát triển kinh tế như thế nào, thưa ông?

Cho đến nay, với số lượng các DN, tập đoàn thành công của Việt Nam như: Vinamilk, TH True milk, Saigon Co.op… đều do các phụ nữ điều hành. Đây là những tấm gương về các doanh nhân nữ thành công trên thương trường và tạo lập được những thương hiệu, sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam không chỉ ra khu vực mà trên toàn thế giới.

Từ thực tế đó, chúng ta có thể thấy nam giới làm được điều gì trong kinh doanh thì người phụ nữ cũng có thể làm được, kể cả là điều hành những DN lớn. Thực tế, hiện nhiều DN, tập đoàn lớn do nữ giới điều hành đang phát triển, tính ổn định lớn, hoàn toàn không thua kém gì các DN do nam giới quản lý.

Trong lao động, cống hiến cho sự nghiệp thì rất khó để vẽ ra đồ thị so sánh, nhưng bằng những kinh nghiệm nhiều năm công tác ở cơ quan trung ương, hội DN, đồng hành cùng DN Việt Nam tôi có thể khẳng định rằng, sự đóng góp của doanh nhân nữ trong phát triển kinh tế, trong cộng đồng doanh nhân rất lớn, không thua kém nam giới.

Ông Tô Hoài Nam – Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ vai trò của phụ nữ trong kinh doanh với phóng viên

Một điều chúng ta cần phải nhận thấy rằng, khi đã dấn thân vào thương trường, làm chủ DN với nhiều trách nhiệm lớn rất nặng nề, gần như không có lúc nào được nghỉ ngơi, người chủ DN luôn trong tâm thế phải đi tìm thị trường, đi tìm bạn hàng, phải làm rất nhiều việc phát sinh khác.

Với phụ nữ, ngoài trách nhiệm đối với DN thì họ còn phải dành thời gian cho gia đình, đảm đương vai trò của người phụ nữ. Cho nên, để có được thành công là họ phải nỗ lực rất lớn. Chúng tôi nhận thấy, DN càng nhỏ thì càng thấy khả năng, bản lĩnh của người phụ nữ trong công việc, trong kinh doanh.

Từ những thành công trong điều hành DN, trong kinh doanh của phụ nữ, tôi nghĩ trong một môi trường hội nhập quốc tế như hiện nay, vấn đề làm phẳng khoảng cách về mặt giới tính trong hoạt động kinh doanh của người chủ sở hữu, của DN nam hay nữ rất là cần thiết.

Hiện nay, chúng ta ta đang đặt mục tiêu làm thế nào để tăng số lượng chủ DN là nữ quản lý lên 30% là hết sức đúng đắn. Theo đó, để hiện thực hóa nó, ngoài sự nỗ lực của người phụ nữ, cần tính toán thế nào để có thể hỗ trợ một cách hiệu quả nhất, phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay với phụ nữ khi tham gia vào hoạt động kinh doanh, điều hành DN.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu với nền kinh tế toàn cầu, để phát huy khả năng, vai trò của mình, thì bản thân các nữ doanh nhân cần phải cải thiện năng lực, cũng như cách điều hành, quản lý, vận hành DN ra sao để ngày càng phát triển, thưa ông?

Nói đến hội nhập thì rất rộng lớn, nhất là khi Việt Nam tham gia vào sân chơi kinh tế toàn cầu, trở thành đối tác kinh tế với những quốc gia rất lớn, có trình độ cao. Đây cũng là cơ hội đồng thời còn là thách thức rất lớn đối với đội ngũ doanh nhân nữ. Tôi nghĩ muốn người phụ nữ Việt Nam vươn ra được thế giới, chúng ta cần xây dựng các chính sách để giải quyết các vấn đề kinh doanh, tạo cơ hội để người phụ nữ có thể tự tin hơn, an toàn hơn, được coi trọng hơn, giúp cho họ phát huy được lợi thế của người phụ nữ Việt Nam tự tin, kiên trung, sáng tạo.

Đặc biệt, cần nhiều hơn về những bình đẳng trong hoạt động kinh tế, các hỗ trợ, ưu tiên, ưu đãi về mặt chính sách đối với DN do nữ làm chủ. Như xem xét để họ có một số lợi thế hơn nam giới trong các điều kiện, thủ tục kinh doanh chẳng hạn? Mặt khác, có những hỗ trợ, tạo điều kiện tháo gỡ các bất lợi như thiếu kỹ năng kinh doanh, khả năng tiếp cập nguồn lực và thị trường, khả năng xây dựng mạng lưới. Ngoài ra, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” cần loại bỏ triệt để; thúc đẩy khuyến khích, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp kinh doanh rộng rãi tới mọi tầng lớp phụ nữ trong cả nước, tạo niềm tin để phụ nữ cống hiến nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Xin cảm ơn ông!

 

Hoa Quỳnh – Thu Thủy