Làm căn cước gắn chíp điện tử: Thông tin công dân được bảo mật
Người dân làm căn cước công dân trên xe lưu động. Ảnh: Văn Minh
Làm ngày, làm đêm
Hiện tại, ngoài các địa điểm cấp CCCD cố định, các tổ di động, Công an TPHCM đưa vào 2 xe cấp CCCD lưu động với hệ thống máy móc hiện đại, có thể di chuyển đến khu vực “vùng sâu, vùng xa” của thành phố, những địa bàn có nhiều người cao tuổi, đi lại khó khăn để làm thủ tục cấp căn cước cho người dân.
Cũng như tại các quận huyện khác của thành phố, Công an Quận 3 huy động hàng chục cán bộ, chiến sỹ từ công an các phường và các đội nghiệp vụ làm việc xuyên suốt từ 7giờ 30 đến 22giờ hàng ngày. Sau khi kết thúc việc tiếp nhận dữ liệu, hồ sơ từ người dân vào lúc 22 giờ hàng ngày, đơn vị còn thực hiện phân loại hồ sơ, xác nhận thông tin trên thẻ, truyền dữ liệu…Những khâu này thường kết thúc vào khoảng 1-2 giờ sáng.
Có mặt tại một điểm cấp lưu động ở quận 3, bà Nguyễn Thị Hồng Loan (58 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết, khi nhận được thông báo từ cảnh sát khu vực thuộc diện được cấp CCCD sớm, bà Loan đã tranh thủ đi làm thủ tục. “Đi làm cũng tiện lợi vì công an triển khai tổ cấp CCCD xuống tận phường. Đến nơi chỉ bốc số thứ tự, sau khi khai đầy đủ thông tin, vào làm mất 5 phút là xong”, bà Loan cho biết.
Ông Nguyễn Quang Minh (ngụ quận 6) cho biết, do bận đi làm vào ban ngày nên không đến làm thủ tục cấp CCCD gắn chip điện tử được. Khi biết công an quận có triển khai làm việc vào buổi tối ông liền đến làm. Trong khi đó, chị Bùi Thị Thu Trang (ngụ quận 3) nói, mặc dù làm việc đến tận khuya nhưng cán bộ công an rất hòa nhã, niềm nở với người dân. Người dân có thắc mắc gì đều giải thích tận tình.
Tạm trú được cấp căn cước gắn chíp
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06 – Công an TPHCM) cho biết, theo quy định, từ nay đến ngày 1/7/2021, cơ quan công an sẽ ưu tiên cấp cho những trường hợp bao gồm: Người từ đủ 14 tuổi trở lên mà chưa được cấp CCCD; người đang sử dụng chứng minh nhân dân (CMND) 9 số; người đã có CCCD, CMND 12 số nhưng hết hạn sử dụng hoặc bị mất, hoặc có thay đổi về thông tin nhân khẩu cần phải cấp lại thẻ CCCD.
Theo Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang, trước mắt công an thành phố làm thủ tục cấp CCCD cho người dân có hộ khẩu thường trú tại TPHCM, sau khi hoàn thành sẽ cấp cho người dân tạm trú trên địa bàn. Công an TPHCM khuyến khích người tạm trú có hộ khẩu thường trú ở các tỉnh thành phố gần địa bàn TPHCM có thể trở về địa phương để làm CCCD.
“Nói thế không phải là không cấp cho người tạm trú mà Công an TPHCM đang rà soát số lượng người tạm trú trên địa bàn thành phố để đề xuất Bộ Công an sớm hỗ trợ cấp cho trường hợp này”, bà Thu Trang cho biết.
Theo Thiếu tá Nguyễn Thanh Tùng, Phó Trưởng Công an Phường 9 (Quận 3, TPHCM), lệ phí điều chỉnh đối với cấp mới, đổi CMND 9 số, 12 số sang CCCD có gắn chíp là 15.000 đồng; cấp theo yêu cầu khi người dân có nhu cầu đổi mới dù CCCD chưa hết thời hạn là 35.000 đồng. Thời gian người dân đến làm cũng rút ngắn, trung bình khoảng 5 phút là xong.
Đối với những trường hợp đang sử dụng CMND 12 số, CCCD mã vạch còn giá trị sử dụng và không thuộc các diện nêu trên, trong thời gian này, Công an TPHCM chưa thực hiện việc chuyển đổi sang CCCD gắn chíp. Sau ngày 1/7/2021, Công an TPHCM sẽ tổ chức thực hiện việc cấp CCCD gắn chíp theo quy định, cho người dân có yêu cầu. Do đó lực lượng công an khuyến khích sau ngày này, người dân nên đi đổi CCCD có gắn chíp điện tử để thụ hưởng các tiện ích do CCCD gắn chíp điện tử mang lại.
Căn cước gắn chíp có bị theo dõi?
Thượng tá Huỳnh Thị Thu Trang cho biết, CCCD có gắn chíp điện tử rất khó làm giả và không bị theo dõi nên người dân yên tâm vấn đề bảo mật thông tin cá nhân.
Trên thẻ CCCD được gắn chíp điện tử và kết hợp mã QR Code, dữ liệu trên chíp có thể truy cập ngay lập tức thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chíp mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng, giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay lập tức, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính. “Khi mất thẻ, người dân không phải lo lắng bị lộ thông tin”, bà Thu Trang nhấn mạnh.
Lãnh đạo PC06 nói thêm, CCCD có gắn chíp điện tử được tích hợp hơn 30 loại giấy tờ khác nhau (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, mã số thuế…) phục vụ cho công dân giao dịch với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế xã hội mà không cần mang nhiều loại giấy tờ như hiện nay.
Thiếu tướng Trần Đức Tài, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết,TPHCM được Bộ Công an giao chỉ tiêu phấn đấu đến ngày 30/4/2021 phải hoàn thành việc cấp CCCD có gắn chip cho gần 4,2 triệu người dân trong diện được cấp.Trong đó, thành phố sẽ cấp cho hơn 2,7 triệu người có hộ khẩu tại TPHCM và gần 1,5 triệu người tạm trú trên địa bàn.