Đối phó viêm mũi dị ứng hiệu quả
Có 3 giải pháp chính giúp kiểm soát viêm mũi dị ứng: tránh các tác nhân dị ứng; điều trị bằng thuốc (dược điều trị hoặc liệu pháp dược); liệu pháp giải mẫn cảm (tiêm dị ứng nguyên). Bài viết này đề cập đến việc dùng thuốc kiểm soát dị ứng và khi buộc phải tiếp xúc với dị nguyên.
Cách dùng thuốc kiểm soát khi dị ứng nhẹ
Cách điều trị bằng thuốc về cơ bản thì trẻ em cũng giống với người lớn, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tình trạng kéo dài của triệu chứng. Nhưng việc dùng thuốc lại phụ thuộc vào từng độ tuổi mà được dùng loại thuốc nào. Việc dùng thuốc đúng với độ tuổi là điều đáng lưu tâm nhất vì nhiều bậc phụ huynh không để ý vấn đề này, có thể gây hại cho trẻ.
Với triệu chứng viêm mũi dị ứng nhẹ được điều trị với các thuốc kháng histamin thế hệ 2. Trong đó cetirizine được chấp thuận dùng cho trẻ em từ 6 tháng trở lên. Hai thuốc loratadine và fexofenadine được chấp thuận dùng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Các thuốc kháng histamine dạng xịt như azelastine chỉ được chấp thuận dùng cho trẻ từ 5 tuổi trở lên, còn thuốc xịt olopatadine chỉ được dùng ở trẻ em trên 12 tuổi, vì độ an toàn và hiệu quả của nó chưa được đánh giá ở trẻ nhỏ.
Glucocorticoid dạng xịt thường hiệu quả hơn thuốc kháng histamin. Thuốc được chỉ định dùng khi biết trước sẽ không tránh khỏi việc tiếp xúc với tác nhân dị ứng (ví dụ như dị ứng phấn hoa). Nên bắt đầu dùng thuốc từ 2 ngày trước, tiếp tục dùng trong thời gian tiếp xúc và dùng tiếp 2 ngày sau khi hết tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Các thuốc như mometasone furoate, fluticasone furoate và triamcinolone acetonide được FDA chấp thuận để sử dụng cho trẻ em từ 2 tuổi trở lên.
Thuốc xịt mũi natri cromolyn cũng là thuốc dự phòng dị ứng khi tiếp xúc tác nhân gây dị ứng. Thời gian lý tưởng nhất là dùng trước khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng 30 phút. Natri cromolyn phù hợp với việc tiếp xúc thời gian ngắn (vài phút đến vài giờ) đối với các tác nhân dị ứng. Nếu việc tiếp xúc với các tác nhân dị ứng kéo dài thì nên dùng từ 4-7 ngày trước khi tiếp xúc với tác nhân dị ứng. Dùng natri cromolyn xịt vào lỗ mũi, cứ cách nhau khoảng 4-6 giờ xịt 1 lần, không dùng thuốc vượt quá 6 lần trong ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Sử dụng natri cromolyn cho đến khi triệu chứng bệnh thuyên giảm và người bệnh không tiếp xúc với chất gây dị ứng nữa.
Thuốc trị viêm mũi dị ứng phải dùng đúng cách.
Kiểm soát viêm mũi dị ứng nặng hoặc kéo dài
Với những ca bệnh này, glucocorticoid dạng xịt là lựa chọn hợp lý và hiệu quả nhất. Các thuốc glucocorticoid với sinh khả dụng thấp và dùng 1 lần/ngày như mometasone furoate, fluticasone furoate, được ưu tiên sử dụng ở trẻ em từ 2 tuổi trở lên. Fluticasone propionate được chấp thuận cho trẻ em từ 4 tuổi.
Loại thuốc xịt kết hợp glucocorticoid và kháng histamin có thể mang lại lợi ích hơn so với việc dùng đơn thuần một thuốc, đặc biệt là ở các triệu chứng tái phát. Nhưng việc bổ sung thuốc uống kháng histamin thế hệ 2 kết hợp glucocorticoid dạng xịt không cho thấy hiệu quả rõ ràng so với glucocorticoid dạng xịt đơn thuần trong hầu hết các nghiên cứu. Vì thế nếu bệnh nhân dùng kết hợp thuốc kiểu này thì cần cân nhắc.
Thuốc kháng histamin thế hệ 2 kết hợp với thuốc decongestant (là thuốc giảm đau, giảm tắc nghẽn mũi – nghẹt mũi, giảm tắc nghẽn xoang) giúp giảm triệu chứng tốt hơn so với dùng đơn độc kháng histamin. Tuy nhiên, tác dụng phụ của decongestant sẽ giới hạn đối tượng sử dụng, do đó cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Kiểm soát viêm mũi dị ứng mắc kèm bệnh khác
Viêm mũi dị ứng và hen suyễn: Có tới 40% bệnh nhân viêm mũi dị ứng có thể đồng thời mắc bệnh hen suyễn. Một số thuốc sẽ được chỉ định trong trường hợp này là thuốc kháng leukotriene như montelukast sẽ mang lại lợi ích trong trường hợp này.
Viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng: Ở bệnh nhân viêm mũi dị ứng và viêm kết mạc dị ứng cùng một lúc, sự kết hợp của thuốc xịt mũi glucocorticoid và thuốc kháng histamin nhỏ mắt (epinastine, azelastine, emedastine hoặc olopatadine) nên là sự lựa chọn đầu tiên, chứ không phải là thuốc xịt mũi glucocorticoid và thuốc kháng histamin đường uống. Việc bổ sung thuốc kháng histamin nhỏ mắt có hiệu quả hơn và ít gây khô mắt hơn so với việc bổ sung kháng histamin đường uống.
DS. Nguyễn Minh Thành